-
- Tổng tiền thanh toán:
Thế giới đồ da rộng lớn, kể cả người làm nghề da lâu năm cũng khó có thể tự tin nói rằng mình biết hết về da. Da có rất nhiều loại, một xưởng không thể có kinh nghiệm sử dụng được tất cả các loại da mà chỉ có thể hiểu rõ về một số loại da xưởng đó hay sản xuất. Ngày hôm nay, xưởng LEKA xin chia sẻ một chút kiến thức về đồ da góp nhặt và tự cảm nhận được trong quãng thời gian hơn 4 năm sản xuất túi/ ví da.
Các loại da động vật dùng trong ngành sản xuất túi/ ví
-Da bò: Loại da phổ biến nhất để làm túi/ ví. Lý do: Độ bền cao, giá thành hợp lý, kích thước 1 con da không quá to không quá nhỏ, dễ làm nên sản phẩm đẹp. Ngoài ra, da là sản phẩm phụ của ngành chăn nuôi lấy thịt. Với sự phổ biến của thịt bò và sữa bò trong thị trường thực phẩm, ngành thuộc da bò có đầu vào da bò sống ổn định và giá rẻ, dẫn tới thành phẩm da bò cũng có số lượng nhiều và giá hợp lý.
-Da cừu, da dê: Có được dùng trong ngành túi/ ví nhưng ít hơn da bò. Lý do là vì con da có kích thước nhỏ, khó làm những sản phẩm cần mảnh to. Ngoài ra, da cừu da dê mỏng, thường chỉ 1.0-1.2mm nên không thích hợp làm 1 số dáng túi ví. Tuy nhiên, một số dáng túi đặc biệt như dáng túi may trám thì 2 loại da này thích hợp hơn da bò, lý do da mềm và mỏng nên dễ dàng làm nổi khối khi may trám. Do đặc điểm mềm và nhẹ, da cừu và da dê hay được dùng làm áo da và găng tay.
-Các loại da khác (exotic leather): Da cá sấu, da đà điểu, da kỳ đà, da trăn... cũng được sử dụng trong sản xuất túi/ ví, chủ yếu cho dòng sản phẩm cao cấp với giá thành cao. Lý do vì các loại động vật trên khó nuôi hơn bò, nuôi lớn thì cũng với mục đích lấy da là chính chứ không phải lấy thịt. Kích thước da thu hoạch được trên 1 con vật nhỏ, kỹ thuật thuộc da khó.
Dưới đây xin được nói rõ hơn về loại da chính mà LEKA sử dụng: Da bò.
Không phải tất cả các loại da bò đều giống nhau
Trên nhãn mác, các sản phẩm da bò thường được ghi chung là "da bò thật", tuy nhiên da bò thật cũng có nhiều loại và chất lượng của các loại đó rất khác nhau.
Nếu chỉ nhìn bề mặt da sau khi đã làm lên thành sản phẩm túi/ ví, rất khó phân biệt đó là loại da bò chất lượng nào, thậm chí phân biệt túi đó là giả da hay da thật là gần như không thể kể cả với người làm nghề da lâu năm. LEKA sẽ nói rõ hơn về các cách phân biệt da thật/ da giả ở dưới, tuy nhiên cách nhanh nhất là xem mặt cắt tấm da. Thường các sản phẩm túi ví mang phong cách công sở (không phải phong cách bụi) đều xử lý sơn cạnh che hết mặt cắt của da để tạo cảm giác chỉn chu, nên muốn xem mặt cắt da chỉ có thể xem trên miếng da nhỏ đi kèm với túi. Các sản phẩm giả da hoặc da thật chất lượng thấp không bao giờ có miếng da nhỏ này.
Cấu tạo mặt cắt của da bò
Mặt ngoài cùng của lớp da bò là lớp biểu bì. Nếu bạn nhìn xuống cánh tay mình, cái bạn nhìn thấy là lớp biểu bì của da bạn. Đây là lớp da lộ ra ngoài không khí và có trách nhiệm bảo vệ các lớp thịt ở bên trong khỏi các tác động vật lý từ môi trường, do đó cũng là lớp bền chắc nhất trong tấm da. Nhìn mặt cắt tấm da ta sẽ thấy cấu tạo của lớp này là các sợi hữu cơ đan xen vào nhau với mật độ dày đặc, rất chắc chắn. Tuyến mồ hôi nằm ở lớp này, do đó với loại da fullgrain (bề mặt tự nhiên) ta sẽ nhìn rõ lỗ chân lông.
Tiếp theo là lớp chuyển và lớp thứ 2 của lớp da: Lớp hạ bì. Nhìn mặt cắt tấm da ta sẽ thấy mật độ của các sợi hữu cơ thưa hơn. Nhiệm vụ của lớp này là vận chuyển dưỡng chất tới bề mặt da, và làm bộ đệm ngăn cách biểu bì và lớp thịt bên dưới. Sau khi được tăng độ bền trong quá trình thuộc da, lớp này cũng rất bền chắc.
Cuối cùng là lớp thịt, lớp này có độ bền thấp và thường không có ích trong ngành thuộc da.
Tách lớp da (leather splitting)
Da bò nguyên bản thường rất dày, do đó chúng có thể được tách thành 2 lớp (hoặc nhiều hơn) và mỗi lớp đều có thể dùng như 1 tấm da bò thật. Với công nghệ hiện tại, nhà máy thuộc da có thể dùng máy lạng da để tách đôi 1 tấm da bò thành 2 tấm hoàn hảo.
Tấm trên gọi là da lớp 1 (fullgrain leather hoặc top grain leather).
Tấm dưới gọi là da lớp 2 (split leather)
Tấm da lớp 1 nếu đạt grade cao (da con bò ít sẹo và vết côn trùng cắn) thì có thể hoàn thiện thành da fullgrain leather (da lớp 1 vân hạt tự nhiên). Đây là loại da có độ bền cao nhất do giữ được lớp bền chắc nhất của da bò. Đây là loại da mà nếu bảo dưỡng tốt có thể dùng được 1 đời, sau đó còn có thể truyền lại cho con cháu. Loại da này có thể nhìn rõ lỗ chân lông. Vân hạt tự nhiên sẽ có chỗ vân to vân nhỏ, vân mờ vân rõ. Tuy nhiên loại da này không phải là vạn năng, vẫn có những nhược điểm: (1) Thấm nước (2) Bị nhuốm màu thời gian patina (3) Vân da không đều. Tùy theo cách nhìn mà 3 điểm trên có thể coi là ưu điểm hay nhược điểm.
Tấm da lớp 1 không có bề mặt hoàn hảo thì sẽ được mài bớt 1 chút phần ngoài cùng (cũng là phần bền chắc nhất của tấm da), và được in lại vân da. Lúc này sẽ có lựa chọn các loại vân khác nhau để in lên. Vân phổ biến nhất có lẽ là VÂN TOGO (tên khác: vân mill, vân hạt) và vân SWIFT (tên khác: Vân láng, vân chân kim). Đây cũng là loại da rất tốt, độ bền rất cao, được các hãng thời trang cao cấp nhất sử dụng. Loại da này cũng có 2 nhược điểm giống loại da trên: (1) Thấm nước (2) Bị nhuốm màu thời gian patina
Tấm da lớp 2 nếu để nguyên không xử lý gì thì sẽ trở thành da suede. Nếu có xử lý tạo vân và cán nhiệt để dán 1 lớp màng PU đặc biệt (công nghệ Nhật Bản, Made in Japan) lên thì sẽ trở thành da split leather. Ưu điểm của loại da này là bề mặt căng láng mịn, nhiều màu sắc tươi sáng trẻ trung, có khả năng chống nước miễn khi lớp phủ còn nguyên vẹn. Nhược điểm cũng rất rõ ràng là một khi lớp phủ bị cào xước thì ngoài việc lộ ra màu cốt da khác với lớp phủ, còn mất đi khả năng chống nước chống bẩn.
Trên đây là 3 loại da chất lượng tốt, được các hãng thời trang cao cấp sử dụng. Ngoài ra còn 2 loại da chất lượng thấp dưới đây, tuy LEKA không sử dụng nhưng vẫn thêm vào để bạn có thêm thông tin.
Da lớp 3-4 (genuine leather): là phần bên dưới của da lớp 2, thường là phần có mật độ sợi co học thấp trộn lẫn với phần thịt. Loại da này có độ bền kém, loại kém thậm chí dùng tay không kéo dãn ra như cao su được. Để bù lại độ bền kém, nhà sản xuất thường phủ 1 lớp rất dày PU (Polyurethan) lên bề mặt da để tăng độ bền. Nhiều lúc lớp PU này dày hơn cả phần da. Lớp PU này sẽ bị nổ sau 1 thời gian sử dụng giống giả da. Thành phần PU dày hơn da thật, PU lại ở phía ngoài, nên gọi loại da này là giả da cũng không sai.
Người viết bài đã từng đi qua chợ vật liệu da ở Quảng Châu, thấy Trung Quốc sản xuất rất nhiều loại da kém chất lượng này. Các túi xách da thật giá rẻ xuất xứ từ Trung Quốc cũng thường dùng loại da này. Loại này nổ sau 1 thời gian sử dụng giống giả da PU.
Da cán (bonded leather): Là vụn da, bào da vụn được trộn với keo rồi ép lại sau đó được phủ 1 lớp polyme lên bề mặt để tạo màu. Loại da này có độ bền kém, bề mặt nổ sau 1 thời gian sử dụng. Do trong thành phần vẫn có da thật nên khi đốt vẫn ra mùi khét của tóc cháy.