Phân biệt da thật/ da giả | LEKA

Phân biệt da thật/ da giả

Nếu chỉ nhìn bề mặt da sau khi đã làm lên thành sản phẩm túi/ ví, rất khó phân biệt đó là loại da bò chất lượng nào, thậm chí phân biệt túi đó là giả da hay da thật là gần như không thể kể cả với người làm nghề da lâu năm.

 

(1) Quan sát mặt cắt lớp da

 

Nếu thấy mặt cắt lớp ngoài cùng có cấu trúc những sợi đan vào nhau dày đặc, chuyển giao đều đặn sang 1 lớp cũng những sợi đó nhưng thưa hơn, thì đó là da lớp 1 (fullgrain hoặc topgrain).

 

Nếu thấy mặt cắt có cấu trúc những sợi đan vào nhau thưa hơn, trên bề mặt phủ 1 lớp rất mỏng có màu sắc hơi khác phần còn lại của da, thì đó là da lớp 2 (split leather) có lớp phủ PU.

 

Nếu thấy mặt cắt có cấu trúc những sợi đan vào nhau thưa, trên bề mặt có phủ 1 lớp dày, có cấu trúc đặc chứ không phải sợi (gần giống loại lớp 1 nên khá dễ nhầm lẫn). 2 lớp này nhìn tách rời, không chuyển giao sang nhau, không liên quan tới nhau thì đó là da lớp 3 (geniune leather), với lớp phủ PU dày.

 

(2) Đốt cháy miếng da nhỏ đi kèm

 

Các sản phẩm da thật thường có một miếng da nhỏ đi kèm. Mục đích của miếng da này là để chứng minh da sử dụng trong sản phẩm là da thật, ngoài ra khi dùng hóa chất để làm sạch túi có thể thử lên mẫu da nhỏ này trước để đề phòng hóa chất làm hỏng da.

 

Việc đầu tiên bạn cần làm là kiểm tra xem mẩu da đi kèm có đúng là loại da sử dụng trong sản phẩm không. Kiểm tra màu sắc, vân da có giống tuyệt đối không. Một số đơn vị làm ăn không uy tín có cung cấp mẫu da đi kèm là da thật, tuy nhiên đó không phải là vật liệu được dùng trong sản phẩm.

 

Tiếp theo bạn dùng bật lửa đốt thử phần lưng của tấm da. Nếu cháy ra mùi thịt cháy thì là da thật, ra mùi nylong cháy thì là da giả. Da thật không hẳn bị "cháy", vì nó không bùng lên thành ngọn lửa, nó chỉ bị co/ sun lại, nhiều lửa quá thì sẽ bị cháy thành xạm đen. Những bạn nào hay đi ăn thịt nướng hẳn có lần bỏ quên miếng thịt không lật, miếng thịt bị cháy đen sẽ hiểu được mô tả này.

 

Còn giả da khi đốt cháy sẽ bùng lên thành ngọn lửa, tỏa ra mùi túi nylon cháy, có chất lỏng màu đen chảy ra. Bạn nào từng đốt rác có túi nylon sẽ biết mùi này.

 

Trường hợp có mùi hỗn hợp, vừa có mùi thịt/ tóc cháy vừa có mùi túi nylon cháy, có hiện tượng bóc tách 1 lớp mỏng ra khỏi bề mặt da trước khi cháy, thì đó là da split có lớp phủ bề mặt.

 

Lưu ý tuyệt đối không đốt sản phẩm vì sẽ làm hỏng sản phẩm. Tuyệt đối không yêu cầu được đốt thử sản phẩm ở cửa hàng đồ da.

Tham khảo

(3) Nhỏ nước

 

Bạn có thể nhỏ 1 giọt nước lên tấm da nhỏ đi kèm, quan sát 1 lúc xem nước có thấm vào trong không. Nếu nước thấm vào trong thì đó là da thật.

 

Tuy nhiên nếu nước không thấm vào trong thì cũng không thể kết luận đó là da giả, vì có nhiều loại da thật không thấm nước.

 

(4) Ngửi mùi

 

Một số loại da thật có mùi đặc trưng, có thể là ngai ngái, hoặc thậm chí là mùi thơm tùy vào loại hóa chất được dùng để hoàn thiện da.

Tuy nhiên cũng có nhiều loại da thật không có mùi, nên khi ngửi không thấy mùi thì không thể kết luận đó là da giả.

 

(5) Quan sát bề mặt

 

Nếu là loại da Fullgrain, nhìn kỹ bề mặt sẽ thấy vân da không đều chỗ to chỗ nhỏ, có thể nhìn thấy lỗ chân lông. Có thể kết luận đây là da thật.

 

Tuy nhiên có rất nhiều loại da thật không có các đặc điểm trên, nên nếu quan sát thấy vân da đều đặn, không thấy lỗ chân lông thì không thể kết luận đó là da giả.

 

Trên đây là 5 cách phân biệt da thật và gia dả cho người mua hàng. Cách số 1 và cách số 2 là chắc chắn nhất, 3 cách còn lại nhiều lúc không thể dùng để kết luận là da thật hay da giả.

Ngoài ra, để thêm thông tin cho bạn, LEKA xin chia sẻ cách thứ 6 và 7 chuyên dùng cho nhà sản xuất.

 

(6) Quan sát hình dạng tấm da

Ở dạng vật liệu gốc, da thật ở dạng từng tấm có hình dạng ngẫu nhiên không vuông vức, do mỗi tấm da được làm ra từ 1 con bò (hoặc 1/2 con bò, hoặc chỉ 1 phần vai hay bụng của con bò).

 

Một số người sử dụng thuật ngữ "da bò nguyên tấm" hay "da bò nguyên miếng". Điều này không có nghĩa rằng tấm da bò cứ để nguyên vậy may lên được thành túi, mà để chỉ ra rằng các tấm da trong túi được cắt ra từ các "tấm", "miếng" da bò, thay vì "cuộn" giả da. Khi cắt các tấm da thành phần của túi, người làm đồ da sẽ phải lựa chọn miếng cắt theo từng hình dạng tấm da bò, chọn những chỗ đẹp để cắt các vị trí như thân trước, miệng túi, các chỗ không đẹp bằng sẽ cho vào các vị trí khuất như đáy túi. Các vị trí lỗi nặng như sẹo, lỗ, xước sẽ bị bỏ luôn không dùng được. Do đó hiệu suất cắt của da bò thật thấp, làm chi phí vật liệu da trên 1 chiếc túi rất cao.

 

Còn da giả được sản xuất nhân tạo từ nhựa, do đó khi mua về nó ở dạng cuộn. Dạng cuộn này dễ dàng hơn rất nhiều cho việc cắt chia miếng vì không phải chọn chỗ đẹp chỗ xấu, có thể dùng máy cắt tự động nâng cao năng suất do đó giá thành của sản phẩm giả da rẻ hơn da thật rất nhiều.

 

Do vậy người mua và người bán có thể không rõ sản phẩm là da thật hay da giả, nhưng người sản xuất thì luôn luôn biết chính xác 100%.

 

(7) Quan sát mép tấm da để biết là da lớp 1 hay lớp 2

 

Da lớp 2 (split) thường sẽ có 1 vài vị trí mép còn lại lớp phủ trùm ra ngoài. Ta sẽ thấy có 1 lớp màng rất mỏng được phủ lên bề mặt tấm da. Nếu tìm thấy, có thể kết luận là da split.

Còn da fullgrain và topgrain thì không nhìn thấy lớp phủ, mép tấm da trông tự nhiên.

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Hotline: 0398182460 Hotline: 0398182460
icon icon